(Thanh toán bằng Qrcode hiện nay đang là một xu thế)
QR payment
QR code cà từ viết tắt cho chữ Quick Response Code. Mã QR thì bạn thường hay thấy trên mạng để giúp người ta tải nhanh về điện thoại một thứ gì đó hay truy cập nhanh vào trang web. Nhưng trong mảng thanh toán tiện ích, mã QR không phải muốn tạo như thế nào cũng được, vì nó có một quy chuẩn gọi là EMV QRCPS (EMV QR Code Specification for Payment Systems). Đây là một tài liệu đặc tả dùng chung cho mọi ngân hàng và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán qua QR code bởi nếu mỗi bên tự làm riêng lẻ thì sẽ rất rắc rối.
Mỗi một mã QR quét ra sẽ có 18 trường thông tin khác nhau. Theo tài liệu QRCPS, 18 trường này thể hiện những thông tin như phiên bản mã QR được sử dụng là gì, thông tin của cửa hàng hoặc đơn vị chấp nhận thanh toán, loại dịch vụ đơn vị đang kinh doanh, tiền tệ, số tiền, phí thanh toán, mã thành phố... Phần này chúng ta biết sơ sơ vậy thôi chứ không cần đi quá sâu vì cũng tương đối rắc rối.
Mã QR có thể dùng cho từng sản phẩm riêng hoặc dùng chung cho cả cửa hàng. Với QR của mỗi sản phẩm thì bạn không cần nhập số tiền thanh toán, còn với QR của cửa hàng thì tiện hơn cho việc thanh toán từng sản phẩm riêng lẻ nhưng bạn phải nhập số tiền chi tiết của hóa đơn và cũng không căng thẳng lắm trong việc này.
Ngoài việc thanh toán, QR code còn có thể dùng để giao dịch chuyển khoản giữa người này với người khác, tương tự như cách mà các ví điện tử phổ biến hiện nay cho phép bạn quét mã vạch để chuyển khoản cho bạn bè, người thân, khách hàng... Khi đó bạn có thể lên Facebook chat với bạn, khi muốn bán hay cho mượn tiền thì đưa mã QR của bạn ra cho bạn bè quẹt mã là được. Hoặc đi ăn trưa xong về công ty chuyển khoản lại cho bạn cũng bằng QR.

(Quét mã thanh toán theo từng sản phẩm)
QR Pay tiện lợi hơn thanh toán thẻ như thế nào
- Thao tác nhanh hơn: việc quét mã QR nhanh hơn vì bạn chỉ cần đưa điện thoại của bạn lên quét rẹt một cái là xong, không cần phải lục bóp tìm thẻ, không cần chờ nhân viên lấy máy cà thẻ mất thời gian. Khi mua hàng trên mạng, bạn cũng không cần phải nhập thông tin thẻ, điền hàng tá các thông tin khác nhau về địa chỉ, thành phố, tên chủ thẻ, ngày hết hạn,...
- An toàn hơn: bạn không phải đưa thẻ của mình cho nhân viên cà (vì xui rủi có thể bị lén chụp lại thẻ để làm chuyện xấu), tự bạn sẽ chủ động cầm điện thoại để quét mã thanh toán. Khi thanh toán online, bạn không cần phải nhập mã thẻ nên rất yên tâm, loại bỏ nguy cơ về việc thông tin thẻ bị trộm và bị đem bán.
- Nhưng không phải cứ muốn quét là quét bất chấp, các app thanh toán thông minh yêu cầu bạn phải nhập passcode hoặc xác thực bằng vân tay, gương mặt mới cho tiến hành quét thanh toán nên không lo việc người khác sẽ dùng điện thoại của bạn để quét mã trừ tiền.
- Đi đến nơi đâu cũng có: xác suất bạn để quên bóp ở nhà cao hơn so với việc bạn để quên chiếc điện thoại thân yêu. Dù sao khi bước chân ra đường thì lúc nào bạn cũng phải cầm điện thoại theo bên mình nên xem như tiền lúc nào cũng sát bên bạn.
- Đối với các đơn vị bán hàng: bạn sẽ không phải tốn chi phí trang bị thêm máy POS để quẹt thẻ, bạn cũng không cần lo việc bảo quản, bảo trì, thay giấy biên nhận cho máy POS. Các ngân hàng cũng sẽ dễ dàng triển khai hình thức thanh toán này tới nhiều tỉnh thành hơn, chi phí thấp hơn, nhiều người sẽ được tiếp cận với hình thức thanh toán xịn xò và nhanh gọn này.
Thanh toán QR có thể dùng ở đâu?
Hiện tại ở Việt Nam có 2 nơi chính mà bạn có thể dùng thanh toán QR:
- Ở các cửa hàng/siêu thị tiện lợi có hỗ trợ dịch vụ này, ví dụ như các quán trà sữa Gongcha, các shop quần áo, siêu thị điện thoại/điện máy, shop phụ kiện, các cửa hàng xe máy, ...
- Trên các trang thương mại điện tử hoặc các website, ví dụ như Now.vn, FPT, các hệ thống web con của Garena, các site của VinaPhone, MobiFone, Viettel, hệ thống web của Vietnam Airlines, siêu thị Aeon...
- Trên các cổng thanh toán nhanh: một số cổng thanh toán gắn trên các website cho phép bạn thanh toán thẻ hoặc QR code, khi đó không cần bên bán hàng phải tích hợp QR mà tự cổng thanh toán sẽ xử lý.
Hình thức thanh toán qua QR chỉ cần đưa điện thoại lên quẹt một cái là xong, không cần nhập số thẻ hay tên chủ thẻ dài dòng. Đó là cái tiện lợi có giá trị lớn nhất mà hình thức thanh toán này mang lại.
Cách thanh toán bằng mã QRcode
Hiện nay ở Việt Nam một số ngân hàng đã áp dụng triển khai dịch vụ thanh toán QR của riêng họ, điển hình như TPBank có QuickPay. Tuy nhiên, đây chỉ là tính năng riêng của ngân hàng TP Bank mà thôi, và chỉ có app TP Bank mới quét giao dịch được. Ví dụ bạn dùng app của Vietcombank hay BIDV thì không thể quét mã và thực hiện thanh toán được đâu nhé.
Và cũng có một số ngân hàng có sử dụng hệ thống QR code chung do VNPay phát hành. VNPay-QR có thể xem là một cổng thanh toán, nhưng thay vì bạn phải nhập số thẻ, thông tin cá nhân, ngày hết hạn của thẻ... thì giờ bạn chỉ cần dùng app quét mã QR là xong trong một nốt nhạc.
Bạn có thể sử dụng app của chính VNPay-QR hoặc dùng app của các ngân hàng có liên kết đều được vì hiện tại VNPay-QR có hợp tác với 18 ngân hàng ở nước ta, trong đó bao gồm gần hết những ngân hàng lớn và có nhiều người sử dụng. Ngoài việc sử dụng tài khoản trong thẻ ngân hàng để thanh toán thông qua mã QR, bạn còn có thể sử dụng thẻ VISA/Mastercard để lấy tiền từ đó cũng được.
Sau khi đã xem xong chi tiết về giao dịch, bạn bấm thanh toán thì sẽ nhận được yêu cầu xác thực bằng mã OTP hoặc các hình thức như nhận diện gương mặt/dấu vân tay... Việc hỗ trợ này sẽ tùy vào từng app, ví dụ như app Vietcombank là có hỗ trợ hết 3 hình thức xác thực này. Đối với bạn nào xài điện thoại có Face ID sẽ thấy tiện lợi nhiều hơn vì chỉ cần đưa điện thoại lên quét khuôn mặt một cái là xong, tiền đã được thanh toán một cách cực kì an toàn và tiện lợi. Với những khoản thanh toán giá trị cao hơn, app có thể sẽ bắt buộc bạn dùng OTP cho an toàn.

Giá trị tiềm năng của việc thanh toán QR
QR ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu đi những bước đi đầu tiên. Trong khi đó ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ người ta đã sử dụng QR Pay từ lâu. Mọi giao dịch đều thanh toán thông qua QR hết: từ việc mua cà phê, mua thức ăn đường phố, đi taxi,... Có một số nơi thậm chí còn không nhận thanh toán bằng tiền mặt mà chỉ cho thanh toán bằng QR, nếu bạn không có QR Pay thì họ sẽ không bán hàng cho bạn. Thật lạ lùng phải không.
Hai ứng dụng hỗ trợ thanh toán QR Code lớn nhất Trung Quốc là WeChat Pay của Tencent, họ có hơn 900 triệu người dùng, và Ali Pay của Alibaba với hơn 500 triệu người dùng. Số người sử dụng tài khoản kích hoạt này là lớn kinh khủng.
Tại Nhật Bản, nhiều cửa hàng cũng đã triển khai sủ dụng QR code, với những cửa hàng không hỗ trợ thanh toán theo kiểu này phải đối mặt với nguy cơ giảm doanh thu do khách không tới mua vì họ không được thanh toán theo cách tiện lợi nhất có thể.
Fingo sẽ nghiên cứu thêm nhiều điều hơn về QR Pay, có gì mới sẽ chia sẻ tiếp với các bạn nhé. Cám ơn các bạn đã đọc bài.